Bài học: Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục
Nguồn: tham khảo internet
Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục là gì?
- Là tình trạng nhiễm trùng truyền từ người sang người thông qua các hành vi tình dục, bao gồm giao hợp âm đạo, giao hợp hậu môn, quan hệ tình dục đường miệng
- Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục có thể biểu hiện bệnh nhưng cũng có thể không phát triển thành bệnh
- Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục bao gồm cả HIV, viêm gan vi rút nhóm B, C
Đường lây truyền của các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục là những đường nào?
- Lây qua quan hệ tình dục từ người có bệnh sang bạn tình khi có giao hợp dương vật âm đạo, dương vật hậu môn, hoặc dương vật/ cơ quan sinh dục nữ và miệng. Đặc biệt một số bệnh lây nhiễm do cọ xát, dây dính dịch như ở bệnh mụn rộp sinh dục, và sùi mào gà, với những nhóm bệnh này, khả năng ngăn ngừa lây nhiễm qua quan hệ tình dục bằng bao cao su cũng không hiệu quả.
- Lây truyền qua đường máu (tiêm chích, truyền máu có mầm bệnh, hoặc thay ghép tạng)
- Lây truyền từ mẹ sang con qua như viêm gan B, HIV, giang mai, lậu…
Các biểu hiện chính của viêm nhiễm đường sinh sản và nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục là gì?
Biểu hiện đối với bạn gái:
- Dịch âm đạo (khí hư) bất thường, mùi hôi, tanh, màu đỏ máu…
- Đi tiểu buốt, rát, tiểu rắt (tiểu nhiều lần)
- Vùng sinh dục sưng, đỏ, xuất hiện nốt lạ, gây đau
- Đau bụng dưới, hoặc đau khi quan hệ tình dục
- Đôi khi có sốt, ớn lạnh.
Biểu hiện ở bạn nam:
- Đi tiểu buốt, tiểu nhiều lần
- Chảy dịch (mủ) ở dương vật
- Sưng tấy, xuất hiện các nốt lạ, vết loét ở bộ phận sinh dục
- Có các săng trên da (trong bệnh giang mai)
- Có thể có sốt
- Bệnh viêm gan B thì có vàng da, vàng mắt, nước tiểu vàng
- HIV, có thể có hội chứng suy giảm miễn dịch (mô tả riêng trong bài HIV)
Cần làm gì khi nghi ngờ mình bị viêm nhiễm đường sinh sản hoặc nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục?
- Cả nam giới và phụ nữ đều có thể mắc bệnh lây qua đường tình dục và viêm nhiễm đường sinh sản do vậy khi điều trị cần điều trị cho cả hai người để tránh bị lây nhiễm trở lại khi quan hệ tình dục
- Nhiều người khi được phát hiện thì bệnh đã nặng vì họ có thể mắc một số bệnh mà không có triệu chứng trong một thời gian dài
- Một người cũng có thể mắc 2 bệnh lây qua đường tình dục cùng một lúc và nếu không được điều trị, một số bệnh này có thể trở thành mãn tính
- Chính vì vậy điều quan trọng là cần phải có cán bộ y tế sàng lọc các triệu chứng
- Hầu hết các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản và nhiễm trùng lây qua đường tình dục có thể chữa khỏi trừ viêm gan B, HIV, herpes và HPV, tuy nhiên với sự phát triển của y học hiện nay các nhóm bệnh này cũng có thể điều trị và khống chế bệnh, kéo dài cuộc sống như mắc các bệnh mạn tính khác.
- Bạn không nên tự điều trị tại nhà mà cần điều trị tại cơ sở y tế chuyên khoa
- Trong thời gian điều trị cần tư vấn với bác sĩ về việc quan hệ tình dục và sử dụng bao cao su để tránh lây nhiễm cho bạn tình
Nguồn: HGTV